Như đã hứa với một bạn và có nhiều bạn nữa cùng hoàn cảnh nhắn tin yêu cầu PTPK viết một bài về vấn đề "Con Gái Thờ Cúng Cha Mẹ Đẻ Khi Đã Lấy Chồng". Vậy hôm nay PTPK sẽ nói về chủ đề này cho mọi người được rõ, để thờ cúng cho đúng và không bị lỗi đạo với Gia Tiên.
- Cha/mẹ thì gọi là hiền khảo/hiền tỉ
- Ông/bà thì gọi là tổ khảo/tổ tỉ
- Cụ thì gọi là tằng tổ khảo/tằng tổ tỉ
- Kị thì gọi là cao tổ khảo/cao tổ tỉ
- Và từ vị thân sinh của cao tổ khảo đổ về trước đến đời thứ 2 được gọi là Tiên tổ khảo. Theo đó, phu nhân của các vị này gọi là Tiên tổ tỉ
- Đời thứ nhất gọi là thuỷ tổ
Như vậy có nghĩa là các vị được rước về thờ cúng trong từ đường họ tộc (thân sinh của cao tổ trở về các thế hệ trước) được gọi là tiên, từ cao tổ đổ xuống gọi là tổ. Tập quán người Việt có quy định rõ ràng vị trí thờ phụng, các bậc hàng tổ do mới mất, linh hồn còn lẫn khuất ở cõi âm ti, nên chưa dứt được ham muốn ăn uống, tiêu pha, cũng như nhu cầu tình cảm còn cao, nên việc thờ phụng được quy định để trong gia đình của chi trưởng, con trưởng, mục đích là để cho linh hồn hưởng thụ được không khí ấm cúng gia đình. Các bậc hàng Tiên là những linh hồn đã tu hành hết kiếp âm ti, đã được siêu thoát lên trời để tiếp tục sống kiếp thứ ba trong chu trình "nợ ba sinh". Khi ấy linh hồn không còn những ham muốn tục trần, ngược lại năng lực phù trợ cao, nên tộc trưởng phải đứng ra lập từ đường để quy tụ năng lực tiên linh, "âm phù dương trợ" cho họ mạc. Từ đạo lý trên, một số chi họ những muốn xây nhà thờ sớm cho các hàng tổ cần suy xét kỹ, kẻo lòng hiếu thảo phản tác dụng, những tưởng sang cả, nhưng chưa chắc đã thực tốt? Ngoài quy định về vị trí thờ phụng, thì tập tục người Việt cũng có quy định rõ ràng về cấp bậc được phép thờ phụng tiên tổ như sau (Tính theo Con Trai trong gia đình, không theo con Gái) :
- Trưởng tộc : phải thờ tất cả từ thuỷ tổ, tiên tổ và các vị cấp dưới từ cao tổ đổ xuống không còn ai thờ phụng;
- Trưởng chi họ (nhánh): phải thờ 4 đời gồm : Cao tổ của chi, và tằng tổ - tổ - khảo của nhà mình (cao tổ được lên tiên khi trong chi họ có thế hệ thờ cúng mới, ví dụ khảo chết thì con trưởng đảm nhiệm ngôi vị thờ cúng, lúc đó Cao tổ khảo được rước bài vị sang nhà thờ tộc để làm lễ lên tiên. Nếu dòng họ nào chưa có nơi thờ tự dòng tộc chính thống, thì bài vị tiên tổ được xếp cất vào một hòm gỗ không tiếp tục thờ phụng nữa);
- Con trưởng trong gia đình thì thờ 3 đời: Tằng – tổ - khảo
- Con thứ trong gia đình thì chỉ thờ khảo, hoặc tổ - khảo mà thôi
Như vậy chúng ta đã thấy việc thờ cúng Gia Tiên (trong đó có cả Bố - Mẹ...) thì phải được thực hiện, kế tục bởi người con Trai trong gia đình. Tuy nhiên trên thực tế chúng ta thấy rõ có nhiều gia đình, trong quan hệ trực hệ không có con trai, khi Bố Mẹ mất đi thì sẽ thờ cúng thế nào???
Chúng ta đã biết Người Việt nói riêng theo chế độ Phụ Hệ "là hệ thống mà hậu duệ được tính theo người cha và theo họ cha (được tự gọi là "họ nội"). Đây là hệ thống xã hội mà trong đó người ta thuộc về dòng dõi người cha", chính vì lý do đó nên từ xưa trường hợp "Cha - Mẹ" không có con trai nối dõi, và con gái đã đi lấy chồng, khi mất đi sẽ được chuyển việc thờ cúng cho người Anh Trai, Em Trai hoặc cháu Trai thuộc về đằng "Nội", người này sẽ đứng ra quán xuyến toàn bộ việc thờ cúng (bao gồm cả Giỗ Chạp...) cho người đã mất đó. Để sáng tỏ hơn chúng ta cần mở rộng thêm một chút, đó là theo quan điểm xưa truyền lại Con Gái đã đi lấy chồng là "Xuất Giá Tòng Phu" - tức là đã thuộc về Gia Đình nhà Chồng, hưởng Phúc Đức nhà chồng. Nếu theo nghĩa hẹp thì tức là "Không còn liên quan gì đến đằng nhà mình" (đây cũng chính là yếu tố ngay cả khi trùng tang, con gái đã đi lấy Chồng cũng không bao giờ được tính). Thời xưa quan điểm Phong Kiến nặng nề "Nhà Ngoại" muốn sang chơi thăm con Gái (nhất là đi lấy Chồng xa) phải xin phép, thông báo trước với "Nhà Nội" mới được sang Chơi. Ngày nay ở những vùng quê như Lương Tài - Bắc Ninh vẫn còn giữ phong tục Con Gái không bao giờ được phép ra nhà Thờ Họ khi có công việc, càng không được ăn uống hay ngồi chính giữa Nhà Thờ (nếu được mời dự (chỉ có Dâu trưởng) thì cũng phải ngồi sang một bên). Như vậy chúng ta hoàn toàn có thể thấy quan điểm Con Gái không được phép thờ cúng "Bố, Mẹ, Ông, Bà nhà mình bên nhà chồng" là điều dễ hiểu.
Vậy có trường hợp Ngoại Lệ không? PTPK xin thưa với các bạn là có. Bởi trên thực tế (nhất là thời kỳ chiến tranh) có những gia đình không có người Con Trai nào, để có thể đứng ra đảm nhận trọng trách Thờ Cúng, vậy việc con Gái đứng ra lo việc thờ cúng là việc có thể được phép. Nhưng với các điều kiện tiên quyết đó là :
1 - Phải được đồng ý của gia đình nhà Chồng mới được thờ (bao gồm cả việc trước khi lập thờ phải Lễ Xin Phép Thổ Công - Gia Tiên bên nhà chồng).
2 - Phải sống trên Đất do hai Vợ Chồng tạo dựng riêng (tức là không phải đất hương hỏa do ông bà, tổ tiên nhà nội để lại).
3 - Ban thờ phải lập riêng và thấp hơn Ban Thờ Nhà Nội một chút.
4 - Chỉ được lập một bên, bên phải ban thờ Nhà Nội. Không được lập to hơn hoặc chính giữa nhà.
* Nếu thiếu một trong các điều kiện trên, có thờ cũng vô ích ngoài ra còn làm cho Gia Đạo Bất Ổn, Xung Đột.
Như vậy đến đây PTPK đã chỉ rõ, hy vọng qua bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu hơn về đạo thờ cúng của người Việt.
No comments: